Lý thuyết và thực hành

Tây Đô đạo sĩ

Thượng khách


Năm 270 trước công nguyên, Tần Chiêu Tương Vương phong Phạm Tuy làm Thượng khanh giúp mình trị vì nhà nước, Phạm Tuy nêu ra chủ trương liên lạc với các nước xa, tiến đánh nước gần, rồi dần dần thôn tính 6 nước, tiến tới thống nhất thiên hạ, Tần Chiêu Tương Vương rất tán đồng chiến lược này rồi bàn cách thực thi.

Năm 262 trước công nguyên, vua Tần cử đại tướng Bạch Khởi tấn công nước Hàn, chỉ trong một trận đã đánh bại nước Hàn, chiếm được Dã Vương, cắt đứt mối liên lạc với Thượng Đảng. Trước tình hình nguy ngập này, quận thú Thượng Đảng là Phùng Đình đã quyết định thà đầu hàng nước Triệu, chứ quyết không đầu hàng nước Tần. Triệu Hiếu Thành Vương biết tin này vô cùng mừng rỡ, bèn lập tức cử binh mã ra tiếp quản Thượng Đảng, vua Tần thấy Thượng Đảng sắp lọt vào tay, nay lại bị nước Triệu đoạt mất thì vô cùng tức giận, bèn cử đại tướng Vương Hột dẫn quân tấn công Thượng Đảng, Triệu Hiếu Thành Vương cũng cử lão tướng Liêm Pha dẫn 200 nghìn quân đến cứu Thượng Đảng, nhưng khi đại quân đến Trường Bình thì Thượng Đảng đã thất thủ, quân Tần lại điều binh tiến đánh Trường Bình.

Liêm Pha là một tướng lĩnh từng trải nhiều thử thách, khi nhìn thấy quân Tần đang khí thế sục sôi, bèn ra lệnh cho quân sĩ đào hào, đắp lũy, để chuẩn bị phòng thủ lâu dài. Vương Hột đã năm lần bảy lượt đến thách đánh, nhưng Liêm Pha vẫn một mực án binh bất động, tình trạng này cứ kéo dài mãi đến ba năm trời, lương thực quân Tần tiếp tế không kịp, nên quân lính đã có phần uể oải, Tần Chiêu Tương Vương thấy vậy vội vàng triệu Phạm Tuy đến bàn bạc. Phạm Tuy nghĩ ra một kế ly gián để khiến vua Triệu điều động Liêm Pha đi nơi khác. Vua Tần đồng ý liền cử người sang Hàm Đan, dùng nhiều vàng bạc mua chuộc những người bên cạnh vua Triệu, bảo họ tung tin nào là: "Liêm Pha đã già nua lại hèn nhát, cơ bản không dám đối trận với quân Tần ", nào là "Liêm Pha là đồ vô dụng, đã sắp chống đỡ không nổi". Vua Triệu vốn dĩ không tin tưởng ở chiến thuật phòng thủ của Liêm Pha, nay lại nghe những lời nhảm nhí này, bèn quyết định cử Triệu Quát ra thay thế Liêm Pha

Triệu Quát con trai của danh tướng Triệu Xa, từ nhỏ say mê binh pháp, thông thuộc binh thư chiến sách, cứ nói đến việc bày binh bố trận là thao thao bất tuyệt, nên vẫn tự cho mình là thiên hạ vô địch. Danh tướng Triệu Xa rất hiểu rõ con mình chẳng qua là chỉ học thuộc mấy quyển binh thư, chứ không có kinh nghiệm thực chiến, nếu để cầm quân thì tất nhỡ việc quân cơ và thí mạng quân lính, nên trước lúc qua đời đã dặn lại vợ rằng: "Đừng có cho con ra làm quan, để khỏi làm nhỡ việc lớn nhà nước, trở thành tội nhân làm mất nước Triệu".

Tướng quốc Lạn Tương Như khi được biết vua Triệu chuẩn bị phong Triệu Quát làm tướng, liền vội vàng vào cung khuyên rằng: "Triệu Quát chỉ học thuộc binh thư, chỉ giỏi bàn việc quân trên giấy tờ, chứ đâu có biết khi lâm trận phải tùy cơ ứng biến, thì làm sao lại có thể thống lĩnh đại quân ?". Nhưng vua Triệu đâu chịu nghe theo. Bấy giờ, người mẹ của Triệu Quát cũng dâng lên một bản tấu chương viết rằng: "Thỉnh cầu đại vương chớ bổ nhiệm con tôi làm soái". Nhà vua liền mời bà vào cung để hỏi rõ nguyên nhân, bà đã nói lại lời trăng trối của chồng trước khi qua đời, nhưng vua Triệu chỉ một mực nói là ý trẫm đã quyết, không thể nào sửa đổi được. Bà mẹ nghe vậy than rằng: "Nếu đại vương quyết ý dùng Triệu Quát, thì một khi nó làm sai việc gì, chỉ mong đại vương đừng trách, mà liên lụy đến cả nhà tôi", vua Triệu gật đầu nhận lời.

Năm 260 trước công nguyên, Triệu Quát dẫn 200 nghìn đại quân kéo đến Trường Bình, lão tướng Liêm Pha thấy binh phù liền giao lại binh quyền, Triệu Quát trong chốc lát đã thống lĩnh 400 nghìn đại quân nước Triệu. Triệu Quát vừa nhậm chức bèn thay đổi chiến thuật phòng thủ của Liêm Pha, mà chủ động xuất kích tấn công quân Tần.

Bên kia, Phạm Tuy được tin Triệu Quát đến thay thế Liêm Pha, biết kế ly gián của mình đã thành công, liền cử tướng quân Bạch Khởi dẫn quân ra đón đánh quân Triệu, Bạch Khởi cố ý đánh thua mấy trận, khiến Triệu Quát càng thêm hí hửng cứ hô quân đuổi riết, ngờ đâu toàn bộ quân Triệu đều sa vào vòng mai phục, đã mấy lần phá vây đều không ra được, 400 nghìn quân Triệu bị vây chặt trong 40 ngày, đã không được tiếp tế lương thảo, lại chẳng có viện binh đến cứu, quân sĩ chẳng còn lòng dạ nào tác chiến. Triệu Quát chỉ một mực muốn phá vây, nhưng đi đến đâu cũng bị quân Tần bắn tên ra như mưa, rồi bị trúng tên chết trong đám loạn quân, quân Triệu như rắn không đầu, đều tới tấp vứt bỏ vũ khí xin đầu hàng.

400 nghìn quân Triệu trở thành tù binh cũng là một gánh nặng đối với quân Tần, vì nếu giam giữ thì không thể nào cung ứng lương thảo, mà thả họ về thì trận đánh này hóa ra công công cốc, hoặc giả thừa thế tấn công nước Triệu thì lại sợ chúng làm phản thì cũng nguy to, nên Bạch Khởi đành phải quyết định, ngoài thả 240 tên lính còn rất trẻ ra, số còn lại đều bị chôn sống ở Trường Bình, trở thành một vụ thảm sát lớn trong lịch sử.

Lời bàn:
Triệu Quát là con trai của danh tướng Triệu Xa, có trí thông minh, học các sách binh thư rất giỏi, tự cho mình có tài kinh bang tế thế. Khi tranh luận binh pháp với cha của mình thường chiếm phần thắng. Triệu Xa không đủ lý luận để đối đáp. Tuy nhiên ông Triệu Xa biết rằng chiến trường trên thực tế thiên biến vạn hóa, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, không hoàn toàn giống lý thuyết nên biết trước nếu để Triệu Quát nắm binh quyền sẽ gây họa.
Quả nhiên đúng như thế.
 

Thatsat

Thành viên mới
Chỉ Bạch Khởi là đáng chú ý.

Bản thân Bạch Khởi thành danh tướng ở độ tuổi còn trẻ hơn Triệu Quát.

Tuổi đời không quan trọng bằng cái tâm đầy Tật đố kị. Bởi vì cái tâm đố kị của những quân sư già đầu nước Triệu với Liêm Pha nên khi có được con cờ Triệu Quát họ bất chấp sự hưng vong thành bại của nhà Triệu mà phế đi Liêm Pha.

Nên khoa ngôn xảo ngữ mà tâm đầy đố kị: Đó là bài học đáng nhớ cho sinh mạng 40 vạn quân triệu, và nhiều người các thời đại về sau
 

Tây Đô đạo sĩ

Thượng khách
Bài này không nói về vấn đề già hay trẻ mà chỉ nói về kinh nghiệm thực tế và lý thuyết.
Nếu tuổi trẻ mà có nhiều kinh nghiệm thực tế kết hợp lý thuyết thì vẫn giỏi, già mà lý thuyết suông vẫn dốt như thường.
 

Vô minh

"Sắc sắc không không"
Chỉ Bạch Khởi là đáng chú ý.

Bản thân Bạch Khởi thành danh tướng ở độ tuổi còn trẻ hơn Triệu Quát.

Tuổi đời không quan trọng bằng cái tâm đầy Tật đố kị. Bởi vì cái tâm đố kị của những quân sư già đầu nước Triệu với Liêm Pha nên khi có được con cờ Triệu Quát họ bất chấp sự hưng vong thành bại của nhà Triệu mà phế đi Liêm Pha.

Nên khoa ngôn xảo ngữ mà tâm đầy đố kị: Đó là bài học đáng nhớ cho sinh mạng 40 vạn quân triệu, và nhiều người các thời đại về sau
Thật hay cho câu: "khoa ngôn xảo ngữ mà tâm đầy đố kỵ" , tiền bối ạ!
Cám ơn tiền bối vì bài học này.
 

Thatsat

Thành viên mới
Binh pháp là thứ mà hầu hết mọi danh tướng hay vô danh tướng muốn đánh trận đều phải đọc và luyện qua.
Không riêng gì Triệu Quát. Bản thân nhiều danh tướng hoặc quân sư (tể tướng) mà ví dụ điển hình là: Gia Cát Lượng: "Anh hùng xuất thiếu niên" - Gia Cát Lượng chưa đánh trận thực bao giờ, nhưng danh tiếng của ông cũng nổi vang như sấm. Đứng đầu trong các vị tông đồ của tiên gia với biệt hiệu: Ngọa Long. Mặc dù các trận bình chiến ông kinh qua toàn là trên giấy.

Tới khi cảm động tấm chân tình mà ra giúp Lưu Bị ông mới ra đánh trận thật. Bằng kinh nghiệm trận giấy của mình, ngay từ những đường cờ đầu tiên, ông cũng đã khiến nhiều danh tướng già đầu kinh bách chiến thời tam quốc ôm hận.

Thử hỏi, nếu Lưu Bị mang cái bụng da hẹp hòi, nhân tâm đầy tật đố kỵ như Viên Thiệu chẳng hạn (Viên Thiệu tự hào 3 đời tam công, kinh qua bách chiến, thế lực cực mạnh trong thời gian đầu tam quốc, nhưng đố kỵ người ta, bụng dạ hẹp hòi. Thấy người khác nói lời trung kiên mà nghịch ý thì đì cho bằng chết) thì làm sao mà thu nạp được Ngũ hổ đệ nhất chiến tướng, tam quốc để nhất quân sư. Xây dựng cơ đồ từ những nắm quân vụn.

Tâm đố kỵ người khác, là một mối họa lớn trong phép dùng người. Và cũng là nguyên nhân của rất nhiều thất bại (mặc dù kẻ đó nắm được đại thế cực mạnh).

Ví như câu truyện về Lý Tĩnh (Quân sư nổi tiếng của đệ nhất hoàng đế Trung Hoa - Hoàng kim thiên tử Lý Thế Dân - Đại huynh của nhân vật Đường Tam Tạng trong tây du kí):

Lý Thế Dân rất giỏi võ nghệ, có tài cầm quân, sử dụng binh pháp, lại rất can đảm, không nề những việc nguy hiểm nhất, khi tấn công thì như vũ bão. Nhất là biết lựa người và dùng người, không ngại dùng kẻ thù cũ đã đầu hàng mình. Có lần cha ông là Lý Uyên tính giết Lý Tĩnh vì một mối hận riêng, Lý Tĩnh la lên: "Ông muốn đem thái bình cho quốc gia và cứu nhân dân mà việc đầu tiên của ông là giết một người vô tội để trả một mối thù riêng!". Thế Dân thấy vậy, xin cha tha cho Lý Tĩnh, và sau Lý Tĩnh thành một tướng danh tiếng của nhà Đường. Vì vậy mà các tướng sĩ đều phục Thế Dân, và mới 18 tuổi, chàng đã nắm binh quyền trong tay, thu phục được nhiều tướng tài, tận tâm như Lý Tĩnh, Uất Trì Kính Đức, Tần Thúc Bảo...

Thiên tài quân sự không bao giờ mang tâm đố kỵ người khác. Phật gia càng không có người như thế !
 

Tây Đô đạo sĩ

Thượng khách
Vâng, tâm đố kỵ tất nhiên không bao giờ mang đến sự tốt đẹp. Không chỉ ở ngoài đời mà trong Phật gia.
Hình như bạn Thatsat muốn khuyên bần đạo điều gì chăng? bạn có thể nói thẳng. Hay bài viết trên của bần đạo có đụng chạm ai đó chăng?
 

Vô minh

"Sắc sắc không không"
Ở đời ganh ghét, chẳng được chi.
Thù hận hại nhau, chẳng được gì?
Xã hội bao la, người mỗi tánh.
Rộng lượng bao dung, bớt sầu bi.

Những người hiểu biết, gạt sân si.
Kẻ kém nhận thức, hay so bì.
Học nhiều, học ít! Không quan trọng.
Hơn nhau đạo đức! mặt lễ nghi.

Gỉoi thì làm tướng, dốt làm ku li.
Đèn ai nấy sáng, chớ khinh khi.
Hơn thua đức độ,tâm hiếu nghĩa.
Gìau, giỏi hẹp tâm, cũng vứt đi...
St
 

Chính Khí

Đời người trường đoạn rồi lại đoạn trường mà thôi.
Bao giờ Việt nam mình xử lý được 3 vấn nạn nhức nhối sau thì sẽ dẫn đầu Thế giới:
- Tham nhũng, cha truyền con nối, con ông cháu cha chen chân vào cơ quan công quyền.
- Học từ Tiểu học tới Tiến sĩ toàn thầy đọc, trò chép, Thi cử bằng trí nhớ nhiều hơn trí tuệ.
- Coi trọng văn hóa cổ 4 ngàn năm, sức mạnh của văn hóa rất quan trọng nhưng ngày nay nhiều người ko coi trọng. Đến người làm công tác văn hóa còn không cắt nghĩa được thế nào là văn hóa vậy.
 
Top